08 Feb Deloitte: Dự đoán về điện toán đám mây, chuỗi cung ứng, lực lượng lao động và tính bền vững trong năm 2022
Báo cáo của Deloitte chỉ ra bốn lĩnh vực trọng tâm, bao gồm các nội dung từ điện toán đám mây đến môi trường làm việc kết hợp.
Báo cáo xu hướng công nghệ 2022 của Deloitte dự kiến bốn lĩnh vực sẽ trở thành trọng tâm trong năm nay gồm điện toán đám mây (cloud computing), phát triển chuỗi cung ứng, lực lượng lao động hỗn hợp và tính bền vững trong công nghệ.
Điện toán đám mây nổi bật với Everything-as-a-service (XaaS)
Với việc điện toán đám mây nhanh chóng trở thành nền tảng ưu tiên cho giải pháp Everything-as-a-service (XaaS), đây được coi là điều quan trọng trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và tìm kiếm giải pháp làm việc thời đại dịch COVID-19. Deloitte cho biết, nhiều ngành công nghiệp đang chuyển đổi quy trình công nghệ thông tin dựa trên dịch vụ sang nền tảng đám mây. Bằng việc sử dụng Hybrid Cloud (đám mây lai), Multicloud (đa đám mây), doanh nghiệp có thể tối ưu hóa các hoạt động quan trọng như chi phí và cơ cấu tổ chức.
Mô hình XaaS cũng xem xét cách xác định doanh thu và dự báo các dòng doanh thu tiềm năng mới của doanh nghiệp. Với việc XaaS trở thành chìa khóa cho một số ngành trong thời kỳ đại dịch và tương lai, các công ty công nghệ cần tìm cách mở rộng mô hình này, đồng thời phối hợp các dịch vụ và dữ liệu dựa trên đám mây của họ trên một nền tảng hoặc bảng điều khiển duy nhất.
Paul Silverglate, Phó chủ tịch kiêm lãnh đạo lĩnh vực công nghệ Hoa Kỳ tại Deloitte cho biết: “Các công ty từng phải trả rất nhiều tiền cho những tài sản đắt đỏ và sau đó họ phải cố hiểu cách vận hành, bảo vệ, bảo mật thông tin và duy trì chúng. Mô hình XaaS sở hữu tất cả các tính năng của các tài sản kể trên, đồng thời tiết kiệm nguồn lực và chi phí tối đa. Chúng tôi tin rằng điện toán đám mây là lựa chọn đúng đắn, cho phép bạn thực hiện nhiều nhu cầu hơn nữa khi có công nghệ 5G. Bạn có thể chia sẻ thông tin nhanh chóng gần như không có độ trễ, và điều này cho phép nhiều ứng dụng khác nhau có thể cùng hoạt động.”
Bảo mật thông tin cũng là một mối quan tâm lớn khi làm việc với mô hình đám mây và đa đám mây. Trong đó, bảo mật ứng dụng và cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng nhất cùng với tính khả dụng và quản lý dữ liệu. Quản lý rủi ro cũng là chìa khóa trong môi trường đa đám mây, vì các nhà cung cấp dịch vụ có thể cung cấp cho khách hàng các báo cáo kiểm soát hệ thống và tổ chức, nhằm hạn chế rủi ro. Mấu chốt để làm điều này nằm ở việc làm rõ trách nhiệm an ninh mạng thuộc về ai giữa nhà cung cấp và tổ chức người dùng.
Phát triển chuỗi cung ứng
Ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, dẫn đến sự chậm trễ trong việc giao hàng và xác nhận đơn đặt hàng. Tình trạng thiếu chip khiến người dùng PC, máy tính xách tay, hệ thống game, điện thoại thông minh và cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu đều bị ảnh hưởng nặng nề. Một số máy tính xách tay và PC có thời gian vận chuyển lên đến 20 tuần, trễ gấp bảy đến mười lần so với trước đại dịch, và điện thoại thông minh cao cấp dao động từ bốn đến tám tuần tính đến quý 3 năm 2021.
Silverglate cũng cho biết: “Thị trường có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm bán dẫn cũng như các ứng dụng ô tô và ứng dụng tiêu dùng, bên cạnh các ứng dụng công nghệ. Việc sản xuất chất bán dẫn diễn ra trên khắp thế giới ở những nơi khác nhau còn tồn tại các vấn đề liên quan đến địa chính trị. Vì vậy rất phức tạp để xác định được quy trình này, cộng thêm COVID cũng làm gián đoạn môi trường làm việc và đặt ra những thách thức thực sự đáng kể với chuỗi cung ứng.”
Deloitte dự đoán tình hình chuỗi cung ứng sẽ tiến triển tốt hơn cuối năm nay, tuy nhiên thời gian vận chuyển lâu vẫn khiến chuỗi cung ứng bị xáo trộn cho đến năm 2023. Trải qua 2 năm với những thử thách mà Covid gây ra, các công ty công nghệ nên bắt đầu chuẩn bị những phương án đề phòng cho các đợt bùng phát COVID-19 khác trong tương lai, như đã thấy với các biến thể delta và omicron. Deloitte dự đoán rằng các công ty sẽ bắt đầu tích hợp khả năng hiển thị chi tiết trên các cấp cùng với việc kết hợp các công nghệ tiên tiến như 5G, robot tự động hóa, blockchain và trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ các vấn đề về chuỗi cung ứng có thể phát sinh trong tương lai.
Lực lượng lao động hỗn hợp
Để thích ứng với Covid 19, các công ty đã thay đổi cách tiếp cận công việc bằng việc sử dụng lực lượng lao động hỗn hợp. Qua đó, các công ty công nghệ cũng kỳ vọng sẽ phát triển văn hóa DN, tăng tốc thử nghiệm các giải pháp cộng tác và phát triển phương pháp tiếp cận tốt hơn để quản lý các tác động từ thuế liên quan đến người lao động. Công việc kết hợp làm việc từ xa và tại văn phòng đã trở nên cần thiết cho các doanh nghiệp trong ngành công nghệ để tồn tại và phát triển. Nhân viên cần có khả năng làm việc mọi lúc mọi nơi, đồng thời duy trì một môi trường làm việc hợp tác, trực quan và dễ tiếp cận. Các công ty công nghệ đang trong quá trình cố gắng cân bằng giữa trải nghiệm làm việc tại nhà với nhu cầu của tổ chức mà nhân viên đang làm việc cùng một lúc.
Văn hóa công ty cũng là một chủ đề lớn, Deloitte lưu ý rằng các tổ chức cần nhanh chóng thích ứng với nhu cầu của nhân viên từ góc độ hợp tác. Các quy tắc linh hoạt trong môi trường tại văn phòng và làm việc tại nhà cần được thiết lập rõ ràng, cùng với khả năng sử dụng các công cụ cần thiết để người lao động có thể thành thạo làm việc từ xa với đồng nghiệp của họ. Một khuyến nghị quan trọng khác là tôn trọng nhân viên và lắng nghe nhu cầu của họ sẽ cho phép người lao động hoàn thành nhiệm vụ kịp thời, đồng thời cho phép nhân viên cảm thấy an toàn tại nơi làm việc.
Tính bền vững trong công nghệ
Một lĩnh vực đáng quan tâm khác là việc giảm lượng khí thải carbon và đối phó với các mối đe dọa của biến đổi khí hậu. Theo một cuộc khảo sát do Deloitte thực hiện, 8 trong số 10 giám đốc điều hành công nghệ lo ngại về điều này và hầu hết đồng ý rằng đã đến lúc phải hành động. Với lĩnh vực công nghệ chịu trách nhiệm từ 2% đến 3% lượng khí thải nhà kính trên thế giới, mối quan tâm về tính bền vững trở thành một yếu tố cần xem xét đối với các công ty công nghệ có rác thải điện tử. Deloitte nói thêm rằng họ kỳ vọng những gã khổng lồ công nghệ sẽ tiếp tục là những người mua năng lượng tái tạo hàng đầu trên toàn cầu vào năm 2022.
Một số công ty công nghệ đã bắt đầu giải quyết vấn đề rác thải điện tử bằng cách sử dụng vật liệu tái chế trong các sản phẩm, thay đổi thiết kế để thúc đẩy khả năng tái chế và sửa chữa dễ dàng hơn để kéo dài tuổi thọ của sản phẩm. Deloitte hy vọng các công ty công nghệ sẽ có những hành động cụ thể để giảm thiểu các nguyên nhân của biến đổi khí hậu, ví dụ như sử dụng vệ tinh để giám sát môi trường hoặc sử dụng phân tích dữ liệu để giảm tiêu thụ năng lượng trong quá trình sản xuất. Báo cáo cũng cho biết cần có sự minh bạch cao hơn từ bên trong các công ty công nghệ liên quan đến tính bền vững và cam kết thực hiện các sáng kiến để giảm lượng khí thải carbon.
Theo Techrepublic
Sorry, the comment form is closed at this time.