THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ DỊCH CHUYỂN LÊN DI ĐỘNG

THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ DỊCH CHUYỂN LÊN DI ĐỘNG

Thương mại điện tử dịch chuyển lên di động - ảnh 1

lack Friday 2018. Kỷ lục mới. Nhiều triệu sản phẩm được bán ra. Nhiều triệu đô la doanh thu. Quan trọng nhất là hệ thống không sập dù nhiều lúc ngất ngây,” ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, chủ tịch công ty công nghệ Sen Đỏ viết trên trang Facebook cá nhân của mình sau khi kết thúc chiến dịch BlackFriday của Sendo. Đây là lần đầu tiên trang thương mại điện tử này tổ chức tuần lễ mua sắm cuối năm, với hơn năm triệu sản phẩm được tiêu thụ, theo số liệu của Sendo.

Các sự kiện tương tự như ngày 11.11, 12.12, hay BlackFriday đã trở thành những hoạt động khuyến khích mua sắm hằng năm của các công ty thương mại điện tử như Lazada, Tiki hay Shopee. Shopee cho biết 12 triệu sản phẩm đã được bán ra trong ngày 12.12.2018 ở bảy quốc gia mà công ty này hoạt động. “95% đơn hàng được đặt trên ứng dụng di động,” Trần Tuấn Anh, giám đốc điều hành trang thương mại điện tử Shopee tại Việt Nam cho biết. Ứng dụng trên thiết bị di động đang là chìa khóa để Shopee gia nhập thị trường thương mại điện tử. Với Sendo, đó là công cụ giúp họ có vị thế mới.

Ra đời từ năm 2012, Sendo, như lời CEO Trần Hải Linh có giai đoạn giữ vị thế “nhỏ bé” và tiêu rất ít tiền so với các doanh nghiệp cùng ngành như Lazada, Tiki hay Shopee. Đến quý 3.2018, nhiều chuyên gia marketing cho rằng lượng đơn hàng mỗi ngày của Sendo ở trên thiết bị di động đã tăng rất nhanh, thậm chí có thể vượt qua cả Lazada và chỉ thua Shopee. “80% giao dịch của Sendo hiện nay là trên thiết bị di động,” Linh nói. 

Sau bốn năm kể từ 2012 loay hoay phát triển nền tảng web, Sendo, đơn vị vừa nhận hơn 50 triệu đô la Mỹ đầu tư vào tháng 4.2018, chuyển mọi hoạt động kinh doanh sang nền tảng di động. “Tốc độ phát triển của điện thoại mấy năm gần đây tăng rất nhanh vì giá Internet rẻ, điện thoại mạnh hơn đáng kể và giá thành thấp. Khi độ phổ cập đến mức đấy thì mọi người dùng ứng dụng nhiều, và sự dịch chuyển đến rất tự nhiên,” Linh phân tích.

Các đợt nghiên cứu thị trường ở các tỉnh vào năm 2016, Linh nhận thấy một lượng khách hàng mà rất nhiều hoạt động xoay quanh chiếc điện thoại (mobile citizen), từ liên lạc, đọc tin tức, giải trí, chơi game, tới mua hàng. “Nếu nhìn cuộc chơi thương mại điện tử là của những người nhiều tiền thì họ sẽ tranh nhau một tập khách hàng đã định sẵn, có thu nhập cao. Chính tập khách hàng ở nông thôn, những người mất 10km để tới chợ đã đẩy Sendo phải làm ứng dụng di động,” Linh chia sẻ.

Không hẹn mà gặp, ra mắt thị trường Việt Nam năm 2016, Shopee xác định hoạt động tập trung vào thiết bị di động. Cách làm này vừa tránh đối đầu trực tiếp với các đối thủ đang rất mạnh trên nền tảng web, vừa giúp tạo sự khác biệt, theo Trần Tuấn Anh. “Thậm chí năm đầu tiên không có giao dịch nào của Shopee xảy ra trên web,” Tuấn Anh nói.

Theo báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường iPrice Insights, quý 3.2018, Shopee vượt Lazada về cả lượt truy cập lẫn lượt tải ứng dụng trên iOS và Android để trở thành trang thương mại điện tử đứng đầu Việt Nam. Ngoài việc tập trung các hoạt động kinh doanh vào ứng dụng di động, các chính sách như miễn phí vận chuyển cho người bán hàng, giúp đỡ người bán hàng nâng chất lượng sản phẩm, từ kho bãi, quản lý đơn hàng, đóng gói cho đến đa dạng hóa ngành hàng đã giúp Shopee giành vị trí số một này. “Mặt khác chúng tôi cũng đầu tư vào các hoạt động marketing nhiều hơn”, Tuấn Anh chia sẻ. Sau cơn bão của đội tuyển Việt Nam từ đấu trường U23 châu Á tới AFF Cup, thủ môn Bùi Tiến Dũng cùng đồng đội xuất hiện dày đặc trên các ấn phẩm marketing của Shopee. “Những chiến dịch marketing của Shopee đánh đúng thị hiếu, trào lưu của giới trẻ giúp thương hiệu được biết đến nhiều hơn,” Tuấn Anh nói thêm.

 

 

Sau khi chuyển hoạt động kinh doanh sang ứng dụng di động, Sendo áp dụng chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị,” tìm cách cung ứng hàng hóa tới người có nhu cầu mà không có nhiều lựa chọn hàng hóa. Đội ngũ nhân viên Sendo thường xuyên đi về các vùng xa để lắng nghe những vấn đề người dùng gặp phải, từ thời gian giao hàng, tới nhu cầu người dùng để cải thiện chất lượng dịch vụ. “Thực sự người dùng không đòi hỏi nhiều lắm, họ chỉ cần một giải pháp tốt, tin cậy để mua sắm. Thách thức lớn nhất là thuyết phục họ sử dụng thương mại điện tử,” Linh chia sẻ.

Để khách mua hàng, Sendo sử dụng dữ liệu để có thể dự đoán nhu cầu, điều “khó nhất” theo mô tả của Linh. Từ năm 2015 Sendo áp dụng những gợi ý thô sơ như nếu người dùng lên web bằng điện thoại Black Berry thì sẽ muốn mua phụ kiện Black Berry, sau đó tới thuật toán xem tất cả những người có hành vi tìm kiếm giống người này thì thường sẽ mua cái gì rồi đưa ra gợi ý, cho tới theo dõi hành vi mua hàng của một người trong một năm hay mua mức giá nào thì Sendo đưa ra gợi ý những sản phẩm ở mức giá đó. “Tất cả những dữ liệu bao gồm anh mua cái gì, những người giống anh mua cái gì, trong quá khứ anh đã mua cái gì để mỗi lần mở ứng dụng lên là anh thấy cái mới, nhưng gần gũi với anh. Vì vậy hãy cố gắng là ứng dụng duy nhất hoặc đầu tiên trên điện thoại thì việc đó khó nhưng xứng đáng hơn,” Linh nói. Theo số liệu Sendo công bố, gần 70% đơn hàng trên trang thương mại điện tử này không đến từ các thành phố lớn.

HÀNH TRÌNH GIÀNH VỊ TRÍ SỐ MỘT thị trường năm 2018 của Shopee cũng dẫn công ty này đến thị trường các tỉnh. Theo Tuấn Anh, hơn 50% đơn hàng của Shopee không phải ở Hà Nội hay TP.HCM. “Chúng tôi không theo một mô hình cứng nhắc, mà kim chỉ nam lớn nhất là nhìn thấy thị trường cần gì thì đáp ứng điều đó,” Tuấn Anh mô tả. Vì vậy mục tiêu ban đầu của Shopee không phải ở các tỉnh, nhưng khi nhìn thấy thị trường này có nhu cầu nhưng sản phẩm không đa dạng, không có nhiều lựa chọn, đồng thời việc vận chuyển gặp khó khăn thì “tự nhiên Shopee tiến đến những nơi này”.

Khi mở rộng thị trường, các vấn đề về trải nghiệm khách hàng không tốt cũng tăng lên khiến Shopee phải tăng thêm người để ứng phó nhanh hơn. Không những vậy, để đáp ứng khả năng thay đổi rất nhanh của thị trường, thậm chí chỉ 1 – 2 ngày phải ra được chiến dịch để bắt đúng trào lưu cũng khiến bộ máy nhân sự của Shopee tăng theo. “Chúng tôi gặp phải khó khăn là bộ máy rất lớn, hơn 500 người nên thông tin vận hành chưa đủ tốt,” Tuấn Anh chia sẻ.

Theo số liệu của tổng cục Thống kê (bộ Kế hoạch và Đầu tư), quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2018 đạt 130 tỉ đô la Mỹ, trong đó thương mại điện tử chiếm khoảng bốn tỉ đô la Mỹ, tương đương khoảng 3%. Quy mô còn khiêm tốn như vậy song hai vị giám đốc điều hành của Sendo và Shopee đều nhìn thấy cơ hội của thương mại điện tử Việt Nam. Ngoài những lợi thế như dân số đông, thu nhập tăng nhanh dẫn tới nhu cầu nhiều hơn, những đơn vị hỗ trợ thương mại điện tử dần hoàn thiện, Tuấn Anh còn nhìn thấy sự dịch chuyển từ thương mại truyền thống lên thương mại điện tử rất nhanh ở Việt Nam, vì các kênh thương mại hiện đại chưa đủ mạnh và chỉ phát triển ở thành phố lớn. “Nếu thương mại điện tử Việt Nam chiếm 5% thị phần ngành bán lẻ thì thị trường sẽ phát triển là phù hợp,” Tuấn Anh phân tích.

“Trong khi thương mại điện tử của Trung Quốc chiếm hơn 20%, Indonesia hơn 10% của tổng thị trường bán lẻ, không có nhiều thị trường 100 triệu dân trên thế giới mà thương mại điện tử mới chuẩn bị cất cánh như Việt Nam,” Linh nói. Theo anh, thương mại điện tử Việt Nam sẽ có điểm đột phá trong vòng 24 tháng tới vì mức độ nhận thức về thương mại điện tử của thị trường đã đến ngưỡng chấp nhận được.

 

Nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/kinh-doanh/thuong-mai-dien-tu-dich-chuyen-len-di-dong-5283.html

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.

Call CIO Vietnam Team