Cánh chim không mỏi cho hành trình tìm kiếm tri thức

Cánh chim không mỏi cho hành trình tìm kiếm tri thức

Từ năm 2017, tôi đã biết đến chương trình huấn luyện “Hạt giống lãnh đạo CNTT” tại TP. HCM, nhưng lúc này tôi chưa đủ quyết tâm vượt qua hạn chế khoảng cách địa lý xa xôi từ Hà Nội.

Phải trải qua năm 2018 sóng gió khủng hoảng doanh nghiệp, tôi mới hiểu được rằng, sản phẩm với ý tưởng hay, marketing bài bản, chốt sales mạnh là chưa đủ để một doanh nghiệp phát triển. Nếu như sản phẩm của lập trình viên là phần mềm, thì sản phẩm của ban lãnh đạo chính là hệ thống quản trị doanh nghiệp. Do đó, tìm kiếm một công thức hay mô hình để có thể phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ Digital Transformation trở thành mục tiêu của tôi ngay từ đầu năm 2019.

Vì vậy khi đã có đủ cam kết, đam mê, hoài bão, nhiệt huyết, dù nhà đang bao việc, tôi đã tham gia chương trình “Hạt giống lãnh đạo CNTT – năm  2019”. Nếu bạn đã có đủ quyết tâm mạnh và có mục tiêu rõ ràng thì việc  trải qua 8 tháng liên tục với 60 chuyến bay (2 chuyến mỗi tuần) trở thành chuyện nhỏ. Chi phí về tiền bạc, thời gian, sức khỏe khi di chuyển liên tục giữa Hà Nội và TP. HCM trở thành những khoản đầu tư đếm được và có giá trị nhỏ nếu so với những giá trị rất lớn trong tương lai (vốn không thể đếm được) mà tôi tin chắc mình sẽ đạt được. Bởi vì hành trình đó đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc và suy nghĩ, thách thức, cũng như những trải nghiệm khác biệt không đâu có được.

Điểm khác biệt đầu tiên so với các chương trình học khác, điều thách thức nhất và cũng thú vị nhất, là làm việc nhóm với cam kết cả nhóm “hiểu giống nhau”. Nếu trong các chương trình học khác, bạn có thể vào vai anh hùng trí thức cân cả team, hoặc để người khác làm hết giúp bạn. Ở đây, cả team phải đảm bảo thành quả tạo ra là kết quả tinh thần chung, mọi người đều hiểu bài giống nhau, bọc lốt nhau bất cứ tình huống gì. Nếu như ở doanh nghiệp, bạn có thể dùng quyền quản lý để ép nhân viên thực hiện theo công việc của mình; còn ở đây bạn không có quyền đó. Chương trình huấn luyện “Hạt Giống Lãnh Đạo CNTT” đã dạy cho tôi hiểu rằng, bài toán làm việc với con người là thách thức lớn nhất. Muốn vượt qua phải biết dẹp bỏ cái bản ngã của bản thân, đồng cảm với góc nhìn của những người khác, chia sẻ những thách thức, công việc để cùng hoàn thành mục tiêu chung. Chỉ bằng cách đó, mọi việc tự nhiên sẽ thuận khi mọi người cùng đồng lòng.

Một thách thức khác và cũng là một câu hỏi lớn mà nhiều bạn muốn đăng ký tham gia chương trình huấn luyện hỏi tôi: “Làm sao có thể bố trí thời gian cân đối công việc nhà, công việc gia đình?”. Các đồng môn của tôi đùa rằng một tuần cúp làm một buổi là được, có thể gây hoang mang cho các đồng môn tương lai. Muốn trả lời câu hỏi này, bạn chỉ cần quyết tâm tham gia chương trình là sẽ thấm hiểu. Bởi một nhà lãnh đạo (cho dù hôm nay mới chỉ là hột giống vùa nãy mầm) cần hiểu rằng làm việc hiệu quả không phải là đo đếm thời gian hay công sức. Điều quan trọng là kết quả công việc làm ra cuối cùng. Để làm điều đó, bạn phải có chiến lược vận động sự cảm thông và giúp đỡ từ bạn bè, người thân, đồng nghiệp, đồng môn. Nhưng sự đồng cảm đó chỉ có được nếu bạn có cam kết với mục tiêu rõ ràng và kế hoạch minh bạch ngay từ đầu trong tất cả mọi việc với tất cả mọi người liên quan. Khi đó, tất cả mọi người xung quanh bạn sẽ giúp đỡ bạn. Tôi đã làm được điều đấy.

Hơn cả những thách thức ở trên, điều thú vị của chương trình là bạn có một hành trình mới với những người bạn mới. Những đồng đội cùng bạn làm bài online mỗi tối, những đồng môn cùng bạn vừa “khóc” vừa chạy deadline. Những đồng môn cùng chia sẻ giá trị, mục tiêu, tâm tư cá nhân bên những bữa ăn ngon miệng, những trò giải trí lầy lội, hay những chuyến đi teambuilding vỡ òa cảm xúc. Trên cơ sở quan hệ gắn kết đã có trong chương trình, trong tương lai không xa, những người đồng đội này đều sẽ là lãnh đạo CNTT tài năng tại các doanh nghiệp. Họ sẽ trở thành những đối tác làm ăn tin cậy của nhau, cùng mang lại giá trị cho nhau, cùng nhau phát triển.

Cuối cùng, điều đọng lại là những cảm xúc riêng sau chương trình do chính các đồng đội đã mang đến cho nhau. Trước hết là cảm xúc tự tin khát khao muốn chinh phục những đỉnh núi lớn hơn. Mỗi người dường như cảm thấy chật chội trong một chiếc áo may sẵn, và muốn may cho mình một chiếc áo mới phù hợp với năng lượng mới, công lực mới đã tích lũy. Tiếp đó là suy nghĩa phóng khoáng khi có góc nhìn chia sẻ với những đồng nghiệp và người thân xung quanh. Bạn sẽ chỉ có được sự ủng hộ của mọi người cho công việc và học tập phát triển bản thân nếu bạn có được sự phóng khoáng đó. Cuối cùng là một tâm trạng bình an đối diện với khó khăn của cuộc sống, của công việc. Bởi khi khi biết mình là ai, biết điều mình muốn là gì, bạn sẽ biết cách thông cảm, không phán xét và bỏ qua mọi chuyện khó chịu.

Chuẩn bị cho mùa huấn luyện năm 2020, mùa thứ 5, tổng kết lại với một câu hỏi lớn: Ai nên tham gia chương trình? Có nên tham gia nếu không phải là lãnh đạo? Câu trả lời vốn rất đơn giản, lãnh đạo không phải là chức danh, lãnh đạo là một tố chất do chính bạn muốn có và bạn tự có được. Vì vậy nếu bạn có tố chất là một lãnh đạo CNTT trong doanh nghiệp, bạn có thừa cam kết, đam mê, hoài bão, nhiệt huyết, bạn phù hợp với chương trình. Hãy thể hiện chúng trên cơ thể bạn, các huấn luyện viên sẽ nhận ra ngay bạn phù hợp. Với những bạn bè Start-up công nghệ như tôi, nếu sản phẩm của bạn đã thừa ý tưởng thú vị, nếu đã có thể kinh doanh mang lại dòng tiền; nhưng nếu bạn cùng các đồng nghiệp của mình muốn thiết kế và xây dựng một doanh nghiệp phát triển bền vững, đi với tốc độ nhanh hơn nữa, đó là lúc bạn nên tham gia chương trình “Hạt giống lãnh đạo CNTT”. Một chương trình huấn luyện (phi lợi nhuận) được tổ chức bởi cộng đồng CIO Vietnam và ban huấn luyện.

Mai Thành Trung – Hột giống mùa 4

P/s: 
– Chương trình huấn luyện “Hạt Giống Lãnh Đạo CNTT” đã tổ chức được 4 mùa và đã huấn luyện thành công 42 hạt giống. Chương trình dự kiến huấn luyện trong 8 tháng với 6 chủ đề ở Tp. HCM.

– Chương trình năm 2020 chiêu sinh 20 ứng viên. Hãy tìm hiểu và đăng ký nhé mọi người !

#Hạt_giống_lãnh_đạo_cntt
#CIOCoaching
#CIOVietnam

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.

Call CIO Vietnam Team