07 May Trung Quốc: Sử dụng mũ công nghệ cao để “đọc” thông tin não bộ của người lao động
Một số dự án giám sát do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đang triển khai công nghệ đọc não người để phát hiện những thay đổi trong tình trạng cảm xúc của công nhân trong dây chuyền sản xuất, những người lái tàu cao tốc và trong quân đội.
Theo South China Morning Post, các công nhân sản xuất thiết bị viễn thông và một vài lĩnh vực khác của công ty Hangzhou Zhongheng Electric được trang bị một chiếc mũ để theo dõi sóng não của họ. Dữ liệu thu thập được sau đó sẽ được sử dụng để điều chỉnh tốc độ sản xuất và tái thiết kế quy trình công việc. Công ty cho rằng điều này có thể làm tăng hiệu quả tổng thể của người lao động bằng cách điều chỉnh tần số cũng như thời gian nghỉ ngơi để giảm căng thẳng tinh thần.
Hangzhou Zhongheng Electric là một trong số những công ty tham gia vào dự án do chính phủ hậu thuẫn ứng dụng thiết bị giám sát não người để theo dõi cảm xúc và hoạt động tinh thần của nhân công tại nơi làm việc
Được gắn khéo léo vào mũ bảo hiểm lao động hoặc mũ đồng phục, những cảm biến không dây, trọng lượng nhẹ này liên tục theo dõi sóng não của người đội và truyền dữ liệu đến các máy tính sử dụng thuật toán thông minh nhân tạo để phát hiện các trạng thái cảm xúc như lo âu, giận dữ hay căng thẳng. Công nghệ này đã được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, tuy nhiên, Trung Quốc đã áp dụng nó trên quy mô chưa từng có trong các nhà máy, giao thông công cộng, các công ty nhà nước và quân đội để tăng tính cạnh tranh của ngành công nghiệp sản xuất và duy trì ổn định xã hội.
Thiết bị giám sát não bộ được gắn bên trong mũ đội đầu.
Cheng Jingzhou – người quản lý chương trình giám sát cảm xúc tiết lộ rằng công nghệ này cũng đang được sử dụng tại Nhà máy điện Chiết Giang và đã giúp lợi nhuận của công ty tăng khoảng 2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 315 triệu USD) kể từ khi được áp dụng vào năm 2014. Công ty này có khoảng 40.000 nhân viên quản lý mạng lưới phân phối và cung cấp điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trên toàn tỉnh, một nhiệm vụ mà Cheng cho biết họ có thể làm tốt hơn nhờ công nghệ giám sát. Mặc dù vậy, Cheng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về chương trình.
Zhao Binjian, một người quản lý của Ningbo Shenyang Logistics cho biết công ty của họ sử dụng các thiết bị đọc não người chủ yếu để đào tạo nhân viên mới. Các cảm biến não được tích hợp trong tai nghe thực tế ảo để mô phỏng những trường hợp khác nhau trong môi trường làm việc. Công nghệ trên đã làm giảm đáng kể những lỗi không đáng có của công nhân, đồng thời giúp cải thiện sự thấu hiểu giữa công ty và người lao động. Zhao cũng từ chối không cho biết lí do tại sao công nghệ này chỉ áp dụng với nhân viên mới.
Ước tính công nghệ này đã giúp Ningbo tăng doanh thu thêm 140 triệu nhân dân tệ trong hai năm qua. Một trong những trung tâm nghiên cứu chính tại Trung Quốc là Neuro Cap, một dự án giám sát hoạt động của não người do chính phủ tài trợ tại trường Đại học Ningbo. Chương trình này đã được thực hiện tại hàng chục nhà máy và doanh nghiệp.
Jin Jia, Phó Giáo sư ngành khoa học não bộ và tâm lý học nhận thức tại trường Đại học Ningbo cho biết một nhân viên có cảm xúc thất thường sẽ là yếu tố then chốt có khả năng ảnh hưởng đến toàn bộ dây chuyền sản xuất và gây “nguy hiểm” cho chính họ cũng như các đồng nghiệp của mình. Jin chia sẻ thêm: “Khi hệ thống giám sát phát hiện ra điều bất thường, người quản lý sẽ yêu cầu người lao động nghỉ ngơi một vài ngày hoặc chuyển qua làm công việc ít căng thẳng hơn. Một số công việc đòi hỏi sự chính xác và tập trung cao nên không có chỗ cho sự sai sót. Để giảm thiểu điều đó, người ta sử dụng phương pháp này để chú trọng và quan tâm hơn tới nhu cầu tinh thần của nhân viên”.
Ban đầu, nhân viên tỏ ra khá sợ hãi và nghi ngờ thiết bị đọc não người. Họ cho rằng cấp trên có thể đọc được suy nghĩ của họ, chính vì vậy, điều này gây ra một số khó chịu và thậm chí là phản kháng khi mới áp dụng chương trình. Tuy nhiên, sau một thời gian, họ đã quen dần với thiết bị và đội chiếc mũ đọc não bộ trong suốt ngày làm việc. Được biết, ở thời điểm hiện tại, công nghệ đọc não người của Trung Quốc đang ngang bằng với phương Tây nhưng đây lại là quốc gia duy nhất có các báo cáo về việc sử dụng công nghệ này tại nơi làm việc. Theo các chuyên gia, lượng dữ liệu chưa từng thấy từ người dùng có thể giúp cải thiện hệ thống và giúp Trung Quốc vượt qua các đối thủ cạnh tranh trong vài năm tới.
Với tốc độ và độ nhạy được cải thiện, thiết bị đọc não người thậm chí có thể sẽ trở thành bàn phím “ảo” cho phép người dùng điều khiển máy tính hoặc điện thoại di động bằng tâm trí. Nhóm nghiên cứu xác nhận thiết bị và công nghệ này đã được sử dụng trong các hoạt động quân sự ở Trung Quốc, mặc dù vậy, họ không tiết lộ thêm thông tin về vấn đề trên.
Bên cạnh đó, công nghệ đọc não người cũng đang được sử dụng trong y học. Ma Huajuan, một bác sĩ tại bệnh viện Trường Hải ở Thượng Hải cho biết cơ sở của họ đang làm việc với Đại học Fudan để phát triển một phiên bản công nghệ tinh vi hơn để theo dõi cảm xúc của bệnh nhân và ngăn chặn các sự cố bạo lực. Ngoài ra họ cũng nghiên cứu phát triển một loại máy ảnh đặc biệt chụp được nét mặt và thân nhiệt của bệnh nhân, thêm vào đó là một loạt các cảm biến áp lực được đặt dưới gầm giường để theo dõi sự dịch chuyển trong chuyển động cơ thể. Bệnh nhân được thông báo rằng những hoạt động não bộ của họ sẽ được theo dõi và bệnh viện sẽ không kích hoạt các thiết bị mà không có sự đồng ý của bệnh nhân.
Ma cho biết: “Những thông tin đa dạng này có thể giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng tâm thần của bệnh nhân tốt hơn. Bệnh viện của chúng tôi rất hoan nghênh công nghệ này và hi vọng nó có thể cảnh báo nhân viên y tế về sự bùng phát bạo lực tiềm ẩn từ bệnh nhân”.
Deayea, một công ty công nghệ ở Thượng Hải, cho biết các thiết bị theo dõi não bộ của họ thường xuyên bị “mòn” nhanh chóng bởi những người lái xe lửa đang hoạt động trên tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải, một trong những tuyến đường nhộn nhịp nhất trên thế giới. Cảm biến được gắn trong vành mũ của người lái xe có thể đo lường nhiều loại hoạt động của não bộ bao gồm cảm giác mệt mỏi và mất tập trung với độ chính xác hơn 90%.
Zheng Xingwu, một giáo sư quản lý tại Đại học Hàng không Dân dụng Trung Quốc, cho biết Trung Quốc có thể là quốc gia đầu tiên trên thế giới giới thiệu và áp dụng thiết bị giám sát não bộ ở buồng lái xe lửa. Ông cho biết thêm hầu hết các vụ tai nạn hàng không là do yếu tố con người và một phi công trong trạng thái cảm xúc bị xáo trộn có thể khiến tất cả mọi người trên chuyến bay gặp rủi ro. Việc đội mũ theo dõi hoạt động não bộ trước khi máy bay cất cánh sẽ cung cấp cho các hãng hàng không thêm nhiều thông tin để xác định liệu một phi công có phù hợp để điều khiển chuyến bay hay không.
“Ảnh hưởng của chính phủ đối với các hãng hàng không và phi công ở Trung Quốc có lẽ lớn hơn so với nhiều nước khác. Nếu chính quyền quyết định đưa thiết bị đọc não bộ vào buồng lái thì các phi công có khả năng sẽ phải “hi sinh” một số quyền riêng tư của mình vì lợi ích an toàn công cộng”.
Qiao Zhian, Giáo sư tâm lý tại Đại học Bắc Kinh nói rằng tuy thiết bị đọc não bộ có thể giúp các doanh nghiệp trở nên cạnh tranh hơn nhưng nhiều người lo ngại công nghệ này có thể bị lạm dụng để kiểm soát tâm trí và xâm phạm quyền riêng tư của người lao động. Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa có bộ luật hay quy định nào hạn chế sử dụng loại thiết bị này. Những ông chủ tất nhiên có động lực mạnh mẽ khi dùng công nghệ đọc não bộ để tăng lợi nhuận còn nhân viên của họ thường không đủ mạnh mẽ để phản đối.
Qiao nhấn mạnh: “Việc bán dữ liệu của Facebook gần đây đã vấp phải không ít sự chỉ trích. Thế nhưng vấn đề giám sát não bộ thậm chí còn có thể đưa việc lạm dụng quyền riêng tư cá nhân lên một cấp độ hoàn toàn mới”.
Theo ông, các nhà lập pháp nên hành động ngay bây giờ để hạn chế việc sử dụng thiết bị giám sát cảm xúc đồng thời cho người lao động quyền thương lượng nhiều hơn để bảo vệ quyền lợi của họ bởi suy cho cùng, tâm trí con người không nên bị sử dụng để khai thác vì lợi nhuận!
Theo VnReview
Sorry, the comment form is closed at this time.