Đúng như tên gọi của nó, Data Analyst hay Chuyên viên phân tích dữ liệu là công việc tập trung vào việc thu thập, khai thác và xử lý bộ dữ liệu để đưa ra quan sát, nhận định, báo cáo về một vấn đề cụ thể. Mục đích của một báo cáo phân tích dữ liệu là để giúp lãnh đạo nắm được tình hình thực tế và để tham mưu đưa ra quyết định đúng đắn (data-driven decision making).
Đây là một công việc có ý nghĩa và có tầm quan trọng lớn đối với bất cứ tổ chức hoặc doanh nghiệp nào. Trong thời đại số hiện nay, hầu như ai cũng hiểu được tầm quan trọng của số liệu—data được thu thập khắp mọi nơi trên mạng xã hội, qua survey khảo sát, qua phiếu ý kiến khách hàng…—vì những người làm lãnh đạo nhạy bén hiểu rằng họ phải biết đối tượng sử dụng dịch vụ của mình có những nhu cầu gì, có điều gì mình cần thay đổi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đó không. Với khối lượng lớn dữ liệu như vậy, cần có ít nhất một người có khả năng tổng hợp, phân tích, và diễn giải số liệu ra những thông tin súc tích và thiết thực nhất cho tổ chức-doanh nghiệp của mình phát triển theo đúng hướng. Ngay cả lãnh đạo nhà nước cũng cần Data Analyst để giải đáp bộ số liệu quốc gia và vạch ra chính sách đúng đắn cho toàn dân (chúng ta đang chứng kiến điều này qua sự kiện COVID-19 trên khắp thế giới).
Tuy nhiên, mỗi vị trí Data Analyst rất khác nhau tuỳ thuộc vào từng ngạch công việc, từng tổ chức, và từng loại dữ liệu cần xử lý. Đơn cử, nếu ngay bây giờ bạn gõ tìm kiếm, Google sẽ đưa ra hàng ngàn kết quả với hàng trăm lời khuyên “đập nhau chan chát” về nghề Data Analyst—khiến bạn không biết nên bắt đầu từ đâu. Bởi vậy, khi tìm hiểu về nghề Data Analyst, điều quan trọng nhất là phải biết được hoàn cảnh (context) và ngạch công việc (industry) của từng vị trí.
Do đó, trước khi đưa ra bất kỳ lời khuyên nào về ngành này, tôi muốn kể cho bạn hành trình của tôi để trở thành một Data Analyst.
Sorry, the comment form is closed at this time.