29 Dec Công nghệ trí tuệ nhân tạo tác động lớn nhất đến kinh doanh tại Việt Nam
Dự kiến năm 2020-2021, trí tuệ nhân tạo hoặc máy học sẽ là xu hướng công nghệ tạo tác động lớn nhất đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Các xu hướng tiếp theo là tiếp thị kỹ thuật số và phân tích dữ liệu.
Đó là kết quả nghiên cứu về những xu hướng công nghệ và ưu tiên năm 2020 ở khu vực ASEAN do cộng đồng các nhà lãnh đạo công nghệ thông tin châu Á (CIO Academy Asia – CIOAA) phối hợp với đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore thực hiện, cho thấy những xu hướng công nghệ sẽ làm thay đổi cuộc chơi trên thị trường và tác động lớn đến công việc kinh doanh của doanh nghiệp họ chỉ trong vòng 1-2 năm tới.
Trong khi top 3 xu hướng công nghệ tạo tác động lớn nhất đến công việc kinh doanh trong năm 2020 tại khu vực ASEAN lần lượt là phân tích dữ liệu (với 61% ý kiến đồng tình), trí tuệ nhân tạo/máy học (55%) và quá trình chuyển đổi số nhanh chóng (36%), kết quả khảo sát tại Việt Nam có sự khác biệt.
Có đến 53% người được khảo sát cho rằng xu hướng công nghệ tạo tác động lớn nhất đến việc kinh doanh tại Việt Nam vào năm sau là trí tuệ nhân tạo hoặc máy học. Hai xu hướng tiếp theo trong top 3 lần lượt là tiếp thị kỹ thuật số và phân tích dữ liệu, đều chiếm 47% ý kiến khảo sát.
Dự đoán sự phát triển của trí tuệ nhân tạo năm 2020 trong một bài ghi nhận ý kiến chuyên gia công nghệ do Forbes thực hiện hồi đầu tháng 12, Redickaa Subramanian, nhà sáng lập và CEO công ty Resulticks cho biết, sự khác biệt chủ yếu trong lĩnh vực truyền thông xã hội năm 2020 nằm ở mảng tự động hóa.
Theo đó, nếu như trước đây các thương hiệu phải dựa vào nhân viên để tạo ra nội dung và phản hồi cho khách hàng trên kênh trực tuyến, vai trò này sẽ ngày càng được thay thế bằng chatbot và phần mềm trí tuệ nhân tạo, cho phép các thương hiệu hiện diện trên các kênh truyền thông xã hội 24/7.
Resulticks là công ty công nghệ trí tuệ nhân tạo bắt nguồn từ Singapore và có trụ sở toàn cầu ở New York (Mỹ), chuyên cung cấp nền tảng tương tác với khách hàng trong thời gian thực. Trao đổi với Forbes Việt Nam nhân dịp sang TP.HCM tham dự sự kiện Digital Transformation Outlook 2020 hồi tuần rồi, nhà sáng lập Resulticks nhận định, thị trường Việt Nam sẽ không nằm ngoài xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo của thế giới và khu vực, nhưng điểm khác biệt nằm ở vấn đề ngôn ngữ.
“Công nghệ máy học hiện nay dựa hoàn toàn trên tiếng Anh. Điều cần thiết bây giờ cho thị trường là có một đội ngũ chuyên gia có thể làm AI dựa trên tiếng Việt, để “huấn luyện” máy móc học tiếng Việt. Đó là thách thức mà sắp tới thị trường Việt Nam phải giải quyết, sau đó mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều,” CEO Resulticks chia sẻ.
Bà cũng cho rằng, lớp người trẻ thế hệ millennials vốn quen thuộc các kênh truyền thông hiện đại chiếm đến hơn 50% dân số đưa Việt Nam là thị trường lớn với công ty Resulticks, không kém các thị trường Ấn Độ, Indonesia và Singapore.
Bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2017, nhắm cung cấp giải pháp tương tác với khách hàng trong thời gian thực dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo cho các chuỗi thương hiệu lớn trong ngành hàng không, tài chính – ngân hàng – bảo hiểm, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, nhà hàng – khách sạn và bất động sản, Resulticks cho biết kế hoạch doanh thu tại thị trường này sẽ đạt 25 triệu USD trong ba năm tới.
Báo cáo mới nhất của PwC về kinh doanh xuyên biên giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2019-2020 cũng cho thấy, các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam có mức độ ưu tiên đáng kể tới phát triển công nghệ cũng như trang bị cho nhân lực những kỹ năng cần thiết để doanh nghiệp duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường. Khoảng 80% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận phát triển công nghệ là ưu tiên chiến lược trong giai đoạn 2019- 2020.
Trong năm 2019, IDC dự kiến mức đầu tư cho quá trình chuyển đổi số ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương hơn 375 tỉ USD, đạt mức tăng hàng năm (CAGR) 17,4% giai đoạn 2017-2022. Microsoft và IDC cũng dự báo chuyển đổi số sẽ làm gia tăng thêm 1.160 tỉ USD cho GDP của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đến năm 2021.
Nguồn bài viết: forbesvietnam.com.vn
Sorry, the comment form is closed at this time.