Bộ Công an hợp tác Microsoft bảo vệ An ninh mạng cho bộ máy chính phủ, doanh nghiệp, người dân

Bộ Công an hợp tác Microsoft bảo vệ An ninh mạng cho bộ máy chính phủ, doanh nghiệp, người dân

Theo đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) việc hợp tác với tập đoàn Microsoft qua chương trình An ninh Chính phủ sẽ giúp hỗ trợ tích cực cho công tác bảo đảm an ninh mạng cho bộ máy chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Thông tin trên được đưa ra trong buổi lễ ký kết bản ghi nhớ thoả thuận tham gia Chương trình An ninh Chính phủ giữa Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và tập đoàn Microsoft ngày 19/12.

Theo thoả thuận, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ chính thức trở thành một thành viên của Chương trình An ninh Chính phủ (Government Security Program-GSP) cùng với hơn 90 cơ quan đại diện chính phủ, tổ chức quốc tế của hơn 45 quốc gia toàn thế giới. Chương trình GSP được hình thành trên mục tiêu xây dựng niềm tin qua tính minh bạch, bằng cách cho phép chính phủ và các tổ chức quốc tế sử dụng công nghệ của Microsoft để bảo vệ bộ máy chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) chính thức tham gia Chương trình An ninh Chính phủ của Microsoft để bảo vệ An ninh mạng cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Theo thoả thuận được ký hôm nay, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ được quyền truy cập vào thông tin về những rủi ro và lỗ hổng thông tin, và nhận được sự hỗ trợ từ đội an ninh, phản hồi rủi ro mạng của Microsoft; mã nguồn của các sản phẩm Microsoft như Windows và Office; thông số kỹ thuật các sản phẩm, dịch vụ đám mây của Microsoft, cũng như làm việc với các kỹ sư của Microsoft.

Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết, thoả thuận GSP với Bộ Công an là cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ nhà nước Việt Nam bảo vệ với cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và công dân của mình. “Chúng tôi tự hào được hợp tác với Bộ Công an thúc đẩy niềm tin và sự minh bạch về các sản phẩm, dịch vụ của Microsoft, cũng như sự hợp tác giữa đội an ninh bảo mật của Microsoft, các chuyên gia An ninh mạng của Chính phủ”, ông Trường cho biết thêm.

Hơn thế nữa, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ nhận được những thông tin độc quyền về việc lây nhiễm mã độc tại Việt Nam, cho phép họ hành động kịp thời nhằm ngăn chặn các rủi ro được phát hiện, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ và phòng chống các mối đe doạ này trong tương lai.

Ông Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khẳng định, trong bối cảnh của CMCN 4.0, Việt Nam phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức từ không gian mạng, trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, xâm phạm quyền, lợi ích của các cá nhân. “Với sự hợp tác giữa Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và tập đoàn Microsoft thông qua chương trình An ninh Chính phủ giúp hỗ trợ tích cực cho công tác bảo đảm an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao”, ông Chính chia sẻ.

Bên cạnh việc tham gia vào chương trình An ninh Chính phủ của Microsoft, Bộ Công an cũng thỏa thuận hợp tác cùng Microsoft trong việc hỗ trợ phát triển và thực hiện các chương trình đào tạo cần thiết cho các chuyên gia an ninh và thẩm định an ninh trước những rủi ro an ninh mạng; Phát triển các tiêu chuẩn an ninh an toàn mạng, và các chính sách bao gồm chính sách sử dụng dịch vụ đám mây công cộng hoặc đám mây lai tại các tổ chức chính phủ để giảm thiểu chi phí, đồng thời gia tăng năng suất và bảo mật.

Theo báo cáo phân tích toàn cảnh an ninh mạng được công bố đầu năm 2019 của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia có tỉ lệ nhiễm mã độc cao nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương – 145% cao hơn chỉ số trung bình toàn cầu, 78% cao hơn chỉ số trung bình của khu vực. Mã độc gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp và cá nhân, từ việc mất khả năng sử dụng thiết bị, mất dữ liệu, mất các tài sản trí tuệ, đến những thiệt hại liên quan đến tài sản, tinh thần của người bị hại, thậm chí, trong nhiều trường hợp đe dọa tính mạng. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển xã hội cũng như khả năng sẵn sàng tiếp nhận và triển khai công nghệ của đất nước.

Nguồn bài viết: https://ictnews.vn

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.

Call CIO Vietnam Team