“An toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử”

“An toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử”

Nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn, an ninh mạng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ TT&TT xác định rõ điều kiện đầu tiên, tiên quyết trong phát triển kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử là đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Quan điểm nêu trên được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định rõ trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vào ngày 8/11/2019.

Trong phiên chất vấn, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu vấn đề, muốn đạt mục tiêu kép trong xây dựng Chính phủ điện tử và thành phố thông minh, chúng ta cần phải hội đủ 4 công nghệ nền tảng là mật mã, chia sẻ dữ liệu, điện toán đám mây và an toàn, an ninh mạng Thế nhưng, hiện nay những công nghệ nền tảng này Việt Nam gần như lệ thuộc hoàn toàn bên ngoài, thiết bị dính lỗ hổng bảo mật, hệ điều hành, phần mềm bẻ khóa tràn ngập. “Liệu có khả thi và mạo hiểm hay không khi chúng ta xây nhà cao tầng nhưng chưa rõ nền móng, các giải pháp kiến trúc vật liệu và an toàn tăng trưởng nền kinh tế số liệu có bền vững, thưa Bộ trưởng?”, đại biểu Phạm Trọng Nhân băn khoăn.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Chúng ta phát triển kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử thì điều kiện đầu tiên và tiên quyết chính là đảm bảo an toàn, an ninh mạng" (Nguồn ảnh: Quochoi.vn).

Giải đáp thắc mắc của đại biểu Phạm Trọng Nhân, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã thêm một lần nữa nhấn mạnh, chúng ta phát triển kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử thì điều kiện đầu tiên và tiên quyết chính là đảm bảo an toàn, an ninh mạng. “Chúng ta đưa tất cả thông tin, dữ liệu, cuộc sống và bí mật của chúng ta lên không gian mạng mà không đảm bảo được an toàn thì sẽ nguy hại vô cùng. Vì thế, Bộ TT&TT chúng tôi dưới chỉ đạo của Chính phủ đã xác định an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết, nếu không có điều kiện này thì không làm những việc chưa xác định tiếp theo”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, ngày nay sự thịnh vượng của Việt Nam chắc chắn phải dựa trên Internet, không còn cách nào khác, thế nhưng Internet lại không an toàn. Chúng ta nói Việt Nam thịnh vượng thì chúng ta phải trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của mình trên không gian mạng. Nói về điều kiện thuận lợi của Việt Nam, Bộ trưởng cho hay, người Việt Nam làm an ninh mạng rất tốt. Trong 100 chuyên gia an ninh mạng được vinh danh toàn cầu năm 2018 thì có 4 người Việt Nam, với 2 người đang ở Việt Nam và 2 người sống tại nước ngoài. Hiện Việt Nam đã có gần 100 doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Có những doanh nghiệp Việt Nam còn bán được sản phẩm an toàn thông tin ra nước ngoài.

Bộ TT&TT cách đây 2 tuần trong buổi họp Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã thống nhất rằng, với các dự án Chính phủ điện tử thì sản phẩm an toàn, an ninh mạng phải của Việt Nam. “Khi làm việc với 20 doanh nghiệp nòng cốt về an ninh mạng thì tất cả các hệ thống đó chúng ta làm hết. Bộ giao nhiệm vụ từng doanh nghiệp, mỗi một sản phẩm về an toàn, an ninh mạng có từ 2 – 3 doanh nghiệp Bộ trực tiếp chỉ đạo. Hiện nay cỡ khoảng 65% chúng ta có rồi, còn 35% phải đầu tư thêm, khoảng 1 năm nữa có thể cơ bản hoàn thành. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể an tâm trong tương lai”, Bộ trưởng chia sẻ.

Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã thống nhất rằng, với các dự án Chính phủ điện tử thì sản phẩm an toàn, an ninh mạng phải của Việt Nam (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, hiện Việt Nam xếp thứ 10 trên thế giới về máy tính ma. Có không ít nguyên nhân đưa đến tình trạng Việt Nam có nhiều máy tính ma, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là người dùng Internet nhiều nhưng lại hay dùng phần mềm miễn phí mà phần mềm miễn phí, bẻ khóa thì thường bị cài cắm mã độc. Mặt khác, người dùng Việt Nam cũng hay lên tải các thông tin, phần mềm từ trên mạng, trong đó có thông tin, phần mềm đã cài sẵn mã độc. Với việc nhận thư điện tử, nhiều người dùng thường dễ dàng tích “reply” vào những thư mình không yên tâm nên lây nhiễm mã độc nhiều.

Về giải pháp, người đứng đầu Bộ TT&TT thông tin với các đại biểu Quốc hội, đầu tiên là về quan sát và phát hiện, hiện chúng ta đã quan sát, phát hiện tốt, biết rõ địa chỉ nào nhiễm mã độc. Ngoài sử dụng công cụ của mình còn tăng cường hợp tác quốc tế, đã có những tổ chức quốc tế cung cấp cho chúng ta các “danh sách đen”. Cùng với đó, giải pháp rà quét mã độc trong các hệ thống thông tin của từng Bộ, từng ngành, từng địa phương, cho đến từng đơn vị cần được thực hiện. Bộ TT&TT sẽ đóng vai trò là tổng chỉ huy triển khai việc này, vừa qua Bộ đã tổ chức một đợt rà soát tại Hà Nội và TP.HCM. Kết quả là hàng năm số máy tính ma của Việt Nam đều tăng lên, nhưng riêng năm 2019 lại giảm.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ thêm một tin vui là cách đây 3 ngày một tổ chức quốc tế có uy tín của Nga đã công bố, nếu như từ trước đến nay máy tính, điện thoại di động ở Việt Nam luôn nằm trong top đầu về nhiễm mã độc ở các nước ASEAN thì hiện nay Việt Nam cùng với Singapore là hai nước có tỷ lệ mã độc trong máy tính, di động thấp nhất. Nhận định máy tính ma hay nhiễm mã độc trên điện thoại di động chỉ là một phần của câu chuyện liên quan đến an toàn, an ninh mạng, Bộ trưởng cho biết, năm vừa qua, Việt Nam xếp hạng 50, tức là vào loại cao, từ thứ 100 xuống 50, trong đó ITU đánh giá rất cao về mặt thể chế. Chúng ta đã có Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

Đánh giá thứ hai của ITU là Việt Nam có hệ thống tổ chức đảm bảo an toàn, an ninh mạng tốt từ Trung ương đến địa phương, có các Trung tâm giám sát không gian quốc gia, không chỉ riêng Bộ TT&TT, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cũng có; có các tổ chức chuyên trách về ứng cứu sự cố an toàn, an ninh và chúng ta đã thành lập ra Liên minh Việt Nam về xử lý mã độc“Thứ bậc thấp của chúng ta là vấn đề hệ thống kỹ thuật và chi cho nghiên cứu phát triển an ninh mạng còn ít, có thể họ chưa đánh giá các doanh nghiệp tư nhân. Tất nhiên, chúng ta thấy còn nhiều vấn đề và còn bức xúc nhưng Việt Nam đã đứng thứ 50 thế giới và trong ASEAN thì đứng thứ 5, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia”, Bộ trưởng thông tin.

Nguồn bài: https://ictnews.vn

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.

Call CIO Vietnam Team