24 Jul NYM: Trí tuệ nhân tạo và Cái Tôi con người trong thời đại số – Người trẻ cần hiểu rõ để không bị bỏ lại phía sau!
Cái Tôi là một điều gì đó rất mơ hồ nằm sâu bên trong mỗi con người. Mỗi người từ khi sinh ra đã tồn tại một cái tôi độc nhất, từ đó hình thành nên tính cách khác nhau, những con người khác nhau dù chúng ta sống cùng một xã hội. Rất nhiều nhà tư tưởng lớn của nhân loại đã cố gắng định nghĩa cái tôi theo quan điểm của họ nhưng không thể thống nhất thành một khái niệm hoàn chỉnh.
Vậy Cái Tôi là gì? Và nó ảnh hưởng ra sao đến việc hình thành và phát triển của một con người trong xã hội ngày nay?
Hiện nay, có hai cách định nghĩa về cái tôi được sử dụng nhiều nhất:
Định nghĩa thứ nhất, cái tôi là cá tính, bản chất vốn có của con người để phân biệt bản thân với người khác. Mỗi chúng ta ai cũng có cá tính và bản chất khác biệt nhau. Cá tính ấy theo chúng ta từ khi mới sinh ra và hầu như rất khó thay đổi bởi môi trường xung quanh. Khi bạn sống với cái tôi của bạn nghĩa là bạn đang sống đúng với bản chất và cá tính của mình.
Định nghĩa thứ hai, cái tôi là sự tự nhận thức của một người về tư cách, nhân phẩm và giá trị của bản thân mình. Quan điểm cái tôi là sự tự nhận thức được khởi xướng bởi Maxwell Malzt. Chúng ta dù vô thức hay hữu thức đều tự nhận thức về bản thân mình: tôi đẹp, tôi tài giỏi, tôi thông minh, tôi có sức hút… Nếu những người xung quanh công nhận sự tự nhận thức của bạn, điều đó sẽ tạo ra một cảm xúc hạnh phúc lớn lao. Nhưng nếu sự tự nhận thức của bạn không được công nhận, bạn sẽ chỉ nhận lại được sự khó chịu và bực bội.
Dù được định nghĩa theo cách nào đi nữa thì bản chất của cái tôi luôn là một thứ tốt đẹp. Cái tôi là một thứ hết sức quan trọng. Nếu không có cái tôi, cả cuộc đời của bạn sẽ luôn tự vấn và lạc lối trong hành trình đi tìm chính mình. Cái tôi là một thứ vô hình định hướng đường đi, hành động và cách suy nghĩ của tất cả chúng ta.
Sự phát triển chóng mặt của công nghệ kéo theo sự phân lớp các thế hệ khác nhau trong xã hội. Đây là thời điểm mà trí tuệ nhân tạo (AI) đã bắt đầu len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống; cũng là khi các công nghệ mới, phát minh mới nó cứ ùn ùn mỗi ngày kéo nhau ra đầu ngõ. Không cập nhật một ngày, mơ hoang đâu nửa buổi là nó rồ ga bỏ mình ở tuốt phía sau.
Ở thời đại này, Gen Z chính là “ông chủ”. Vì thế, cái tôi của họ cũng chính là quy chuẩn để định nghĩa về cái tôi chung của xã hội hiện đại. Vậy với vai trò là một người thuộc Gen X hay Millennials, bạn có sẵn sàng thay đổi những thói quen sẵn có để bước vào một thế giới “thời thượng” hơn của Gen Z? Và nếu là một Gen Z, bạn có đủ thực lực để chứng minh mình đủ khả năng làm chủ cuộc chơi này?
Đây là thế kỷ 21, nơi mà mà con người cùng chung sống với robot không còn là viễn cảnh chỉ có trong các bộ phim giả tưởng nữa. Thế kỷ này là một thế kỷ lạ lùng. Vì nó chẳng giống ai. Quá nhiều thứ ngủ đêm dậy bỗng khiến cả thế giới lật nhào. Những thứ tưởng chừng như chân lý bỗng trở mặt cái trở nên vô lý. Trong tựa sách “NYM – Tôi của tương lai” (Saigon Books phát hành tháng 07/2020), chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân đã liệt kê ra 9 phát minh sẽ định hình thế kỷ 21 mà tất cả chúng ta đều cần phải biết để không bị “lỗi mốt”:
Social Media – Mạng Xã Hội
Mạng xã hội xuất hiện chia cuộc đời làm hai ngả: reality – thực tế thật, và virtual reality – thực tế ảo. Ở đó, có thế giới ngầm. Ở đó, có người ta có thể xây hạnh phúc ảo, thành công xạo mà chẳng tốn đồng xu. Ở đó, người ta có thể bung lụa những góc tối của phần con bằng cách giấu đi nhân dạng thật của mình. Ở đó, có bao điều hay ho, tuyệt vời, nhưng cũng là lỗ đen cuộc đời của biết bao người trầm cảm.
Multi-Rocket – Tên Lửa Xài Được Nhiều Lần
Phóng tên lửa lên vũ trụ là đã hết hồn rồi. Giờ phóng xong còn reuse – tái sử dụng được theo đúng tinh thần của the circular economy – kinh tế tuần hoàn. Đây là công của anh Elon Musk, nhà sáng lập SpaceX với sứ mệnh di dân loài người lên sao Hỏa và mấy hành tinh khác.
The Capsule Endoscopy – Nội Soi Viên Nang
Là phương pháp giúp bác sĩ chẩn đoán một số bệnh lý ở niêm mạc ruột non như viêm loét ruột non, các bệnh lý gây xuất huyết ở ruột non, u, v.v. mà những phương pháp nội soi tiêu hóa khác như nội soi dạ dày hay nội soi đại tràng không thể chẩn đoán được.
Blockchain Technology – Công Nghệ Chuỗi Khối
Với khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch theo thời gian thực, tiết kiệm không gian lưu trữ và bảo mật cao, công nghệ Blockchain là một trong những xu hướng công nghệ đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Bitcoin & Cryptocurrencies – Bitcoin Và Các Đồng Tiền Ảo
Tới giờ cũng không ai biết Mr. Satoshi Nakamoto, cha đẻ của đồng tiền ảo Bitcoin là ai, nhưng đồng này từ khi ra đời đã khuynh đảo thế giới. Chỉ là một đồng tiền ảo, do một người vô danh tạo ra, trong vòng 10 năm từ lúc giá trị bằng không đã lên xuống bất thường như điện tâm đồ khiến nhiều người ngủ dậy thành tỷ phú nhưng cũng lắm người mất trắng. Ở đỉnh điểm giá trị lên tới hơn 13 ngàn USD, tạo ra nhiều dư luận trái chiều về chuyện đồng tiền ảo này sẽ còn khuynh đảo thế giới đến đâu và còn xáo trộn cuộc đời của nhiều người đang theo đuổi nó thế nào.
Mobile Operating System – Hệ Điều Hành Điện Thoại
Nếu không có những hệ điều hành này ra đời thì điện thoại không thể vận hành êm đềm với quá nhiều chức năng và yêu cầu xử lý dữ liệu vừa nhiều vừa nhanh như hiện nay. Dù bạn đang sử dụng Android hay Apple iOS thì những hệ điều hành này đều đang là nền tảng chính giúp làm tăng trải nghiệm người dùng và sự phát triển tiếp theo về công nghệ.
3D Printing – In 3D
Đây có thể nói là công nghệ đột phá nhiều ngành nghề, từ ngành thực phẩm đến kinh tế không gian. Vận hành như một cái máy in, in từng lớp để tạo thành sản phẩm 3D. Mực in chính là vật liệu muốn áp lên vật thể 3D, có thể là nhựa, giấy, bột, polymer, hay kim loại, v.v. Các vật liệu này có đặc điểm là có sự kết dính với nhau để vật liệu lớp bên trên kết dính với lớp bên dưới được.
Gene Editing/CRISPR – Hiệu Chỉnh Gene/CRISPR
CRISPR là viết tắt của cụm từ Clustered Regularly Interspaced Short Palindromic Repeats nghĩa là Cụm gene di truyền sao chép di lại được áp dụng để chỉnh sửa gene. CRISPR là công cụ hiệu chỉnh gene có sức mạnh ghê gớm, có khả năng thay đổi lớn đối với DNA của bất kỳ sinh vật nào. Dù công cụ này có thể được sử dụng đúng, loại bỏ các gene gây bệnh cho con người, nhưng nó cũng có thể bị sử dụng sai mục đích, thay đổi gene để tạo ra loài người siêu việt hay loài được sản xuất hàng loạt vì mục đích gì khác nữa. CRISPR có thể nói là một trong những phát minh gây ra nhiều phản ứng đa chiều về vấn đề đạo đức.
The Internet Of Things – Internet Vạn Vật
Phát minh này được xem như là phát minh nền tảng góp phần đẩy mạnh khả năng sáng tạo của cuộc cách mạng 4.0, đặc biệt trong lĩnh vực AI – trí tuệ nhân tạo & robotics – khoa học robot.
Dù là một Millennials hay Gen Z, có khi nào bạn tự hỏi mình là ai trong cuộc đời này? Và với sự bùng nổ của công nghệ số, bạn có thực sự sẵn sàng dấn thân vào một thế giới mới – nơi bạn có thể chỉ là một kẻ “lơ tơ mơ” bắt đầu hồi nhập giữa một rừng con người trẻ trung, hiện đại và xuất chúng?
Bạn có xác định được mình là ai? Là bạn của ngày hôm nay? Của năm năm trước? Hay là bạn của năm mươi năm sau?
Và phần nào của bạn là “Tôi”? Cơ thể của bạn? Suy nghĩ và cảm nhận của bạn? Hành động của bạn?
Cũng như bất kỳ cuộc cách mạng nào đó khác, sự đảo lộn, sự bất định, mối đe dọa trước nguy cơ an toàn đời sống cá nhân luôn làm cho con người lâm vào trạng thái cực đoan, hoặc tận cùng phấn khích, hoặc chạm đáy của hãi hùng, tuyệt vọng. Trong “NYM – Tôi của tương lai”, tác giả Nguyễn Phi Vân một lần nữa khẳng định rằng những hiểu biết về công nghệ chính là thách thức lớn nhất để chúng ta hội nhập vào thời đại số: “Làm người đã khó. Lỡ làm người trong thế kỷ kỳ lạ này càng khó.”
Tech hay là không tech, nhân loại cũng khổ đau và tuyệt vọng. Sáng tạo ít nhiều, con người cũng chỉ mong có quyền được làm người, được yêu thương, tôn trọng, hạnh phúc, bình an. Cho nên, có cách mạng mấy chục lần, thì bản chất con người vẫn chẳng đổi thay. Nếu bản chất không đổi thay, thì nhu cầu thật ra cũng chẳng hề thay đổi. Khác chăng, là sự biến tướng của cách tiếp cận hợp thời, sự lột xác của những sản phẩm, dịch vụ đúng gu, với nội dung liên quan, và kênh thông tin chạy theo hành vi tiếp nhận.
Điều đó cũng có nghĩa, thời nào cũng phải hiểu mình, hiểu người. Thời nào cũng phải đối diện với mọi sự phức tạp về quan hệ do con người đạo diễn. Hiểu mình, là biết bản thân có mục đích gì, muốn đi qua hành trình cuộc đời bao sắc màu và có mấy quanh co này theo kiểu gì. Hiểu mình, là hiểu giá trị cốt lõi sẽ định hình những nẻo đường cuộc sống gia đình, nghề nghiệp, cộng đồng và thế giới ra sao. Công nghệ, cuối cùng chỉ là công cụ giúp ta thể hiện quan điểm, mong muốn, mục đích và khả năng của bản thân mình. Công nghệ không phải là phép thuật để xóa sạch mọi phiền não quá khứ hay kiến tạo mọi tương lai hạnh phúc. Công nghệ càng không phải là điểm đến đánh mất bản thân của cả loài người.
Thế kỷ này đưa ta công cụ ảo để bóc tách cái Tôi thật, và nó cũng dúi vào tay Tôi trách nhiệm hết sức minh bạch về chính bản thân mình. Nếu “Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là kiến tạo nên tương lai đó” theo Abraham Lincoln, thì hành trình phía trước của công dân 4.0 không có hình dạng, dáng mẫu nào để mà soi theo cả. Tương lai của thế kỷ số, là tương lai cá nhân hóa, và ở đó, kẻ thiết kế đường ngang ngõ dọc chẳng ai khác hơn là chính Tôi.
(Ngọc Tú – CafeBiz.vn)
Sorry, the comment form is closed at this time.