Li kỳ đại chiến nội bộ hãng chip ARM – khi tranh chấp công nghệ Mỹ-Trung len lỏi vào hãng chip hàng đầu thế giới

Li kỳ đại chiến nội bộ hãng chip ARM – khi tranh chấp công nghệ Mỹ-Trung len lỏi vào hãng chip hàng đầu thế giới

Không chỉ là việc tranh chấp vị trí CEO của ARM China, nó còn cho thấy bóng dáng của cuộc tranh chấp công nghệ Mỹ-Trung bên trong nội bộ công ty này.

Là người cùng nhà với nhau, nhưng căng thẳng đang leo thang ngay trong nội bộ công ty ARM Limited – hãng thiết kế chip smartphone nổi tiếng thế giới. Căng thẳng này xuất phát từ vị trí CEO cho chi nhánh công ty tại Trung Quốc khi ARM China cho biết đã sa thải một trong hai ứng viên do công ty mẹ tại Anh lựa chọn để điều hành đơn vị này.

Đây là lần thứ hai trong 2 ngày chi nhánh công ty tại Trung Quốc công khai đối đầu với công ty mẹ về quyền quản lý ARM China. Điều đáng chú ý là tranh chấp này xảy ra chỉ vài tuần sau khi Washington siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Huawei Technologies, khách hàng lớn nhất của công ty tại Trung Quốc.

Dù các chip smartphone Kirin do Huawei thiết kế nên, nhưng chúng đều dựa trên các thiết kế CPU ban đầu của hãng ARM Limited. Do vậy, khi chính phủ Mỹ siết chặt các yêu cầu về kiểm soát xuất khẩu công nghệ đối với Huawei, không chỉ việc đặt hàng gia công chip của công ty này bị cắt đứt mà ngay cả khả năng hợp tác với ARM để thiết kế chip của Huawei cũng bị ảnh hưởng.

Trước đó, vào thứ Tư vừa qua, ARM Limited cho biết, giám đốc điều hành ARM China, Allen Wu đã bị miễn nhiệm “vì những bất đồng nghiêm trọng” và sẽ được thay thế bằng hai người Phil Tang và Ken Phua.

Tuy nhiên trong một bài đăng trên WeChat vào thứ Năm, chi nhánh công ty tại Trung Quốc cho biết: ông Tang đã bị miễn nhiệm khỏi công ty vào ngày 26 tháng Năm “vì các bất đồng nghiêm trọng” và “sẽ không còn đại diện cho ARM China nữa” dưới bất kỳ hình thức nào. Công ty còn cho biết thêm rằng họ đã “tiến hành các thủ tục pháp lý để bảo vệ CEO Wu và danh tiếng của ARM China.”

Trong bài đăng trước đó, ARM China còn phủ nhận vai trò của ARM Limited trong việc sa thải ông Wu khi cho biết “ARM China là một thực thể độc lập và được công nhận hợp pháp tại Trung Quốc. Theo mọi quy định và luật lệ, Allen Wu sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch và CEO.”

Trong khi đó, ARM Limited cho biết quyết định sa thải ông Wu nhận được sự ủng hộ từ Hopu Investment Management, một trong các nhà đầu tư của ARM China và là một hãng đầu tư mạo hiểm danh tiếng của Trung Quốc.

Nhiều nguồn tin của trang CaixinGlobal cho biết, mâu thuẫn giữa ARM Limited và Hopu với ông Allen Wu bắt nguồn từ các động thái vượt quyền như thiết lập các cơ sở và các quan hệ đối tác mới mà không báo cho các cổ đông, tự ý thành lập một quỹ đầu tư riêng mà không thông báo với hội đồng quản trị, gây ra các lo ngại về xung đột lợi ích.

Tại sao lại có tranh chấp này?

Những phức tạp trong hoạt động điều hành ARM China bắt nguồn từ 2 năm trước, sau khi SoftBank – ông chủ của ARM Limited – quyết định từ bỏ quyền kiểm soát đối với ARM China. Tập đoàn này bán 51% cổ phần ARM China cho các nhà đầu tư Trung Quốc, bao gồm Hopu, cũng như các quỹ đầu tư do Nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn như Silk Road Fund, China Investment Corporation và tập đoàn Shum Yip Group thuộc chính quyền Thâm Quyến.

Đây được xem như một chiến thắng quan trọng đối với Bắc Kinh trong việc đảm bảo các công nghệ bán dẫn quan trọng, khi các chip sử dụng thiết kế của ARM đã tạo nên nền tảng cho gần như mọi thiết bị di động trên thế giới.

ARM China đã tiếp quản mọi giấy phép và hoạt động kinh doanh bản quyền tại quốc gia này và họ chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc đàm phán với các khách hàng Trung Quốc, bao gồm cả Huawei Technologies. Mọi thiết kế chip của Huawei – bao gồm cả chip di động Kirin – đều dựa trên bản quyền và thiết kế chip nền tảng của ARM.

Tuy vậy, sau khi Huawei bị đưa vào danh sách đen của Mỹ, ARM đã quyết định dừng mọi hoạt động hợp tác với công ty này. Trong khi đó, truyền thông địa phương thường xuyên trích dẫn lại cam kết của ông Wu về việc hợp tác trở lại với Huawei.

Sau đó công ty tại Anh cũng cung cấp trở lại cho Huawei, nhưng chỉ giới hạn trong các sản phẩm không có nguồn gốc của Mỹ, nhằm tuân thủ các quy định của chính phủ Mỹ. Vẫn chưa rõ liệu công ty có tiếp tục cung cấp các thiết kế chip mới của mình cho Huawei hay không.

Nguồn bài viết: genk.vn

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.

Call CIO Vietnam Team