Quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt chậm do đâu?

Quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt chậm do đâu?

Quá trình chuyển đổi số, tận dụng sức mạnh của công nghệ mới để đổi mới mô hình kinh doanh vẫn là một thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

 

“Tôi muốn ứng dụng công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh nhưng khi gặp các nhà cung cấp giải pháp được nghe quá nhiều thuật ngữ chuyên môn. Vì không hiểu họ nói gì nên tôi không dám chi tiền. Họ không bán được hàng, tôi cũng không giải quyết được vấn đề của mình,” ông Lương Long Hiệp, giám đốc công ty thực phẩm 2030 chia sẻ khi tham dự sự kiện Digital Transformation Outlook 2020 cùng với hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý công nghệ thông tin và các startup công nghệ trong nước lẫn quốc tế hôm 12.12 vừa qua. Sự kiện do cộng đồng CIO Việt Nam tổ chức tại TP.HCM.

Ông Hiệp cho rằng, việc không hiểu được “ngôn ngữ” của nhau chính là một trong những lý do làm chậm đi quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp mình cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác. Lý giải nguyên nhân quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt còn chậm so với nhu cầu kinh doanh thực tiễn của doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng đến từ ba nguyên nhân quan trọng: thiếu sự gắn kết giữa lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh; nhận thức về chuyển đổi số chưa đồng đều giữa các bộ phận nghiệp vụ; và thiếu sự mạnh dạn đầu tư từ các nhà lãnh đạo.

Các diễn giả tham gia tọa đàm tại sự kiện Digital Transformation Outlook 2020. Ảnh: Bích Trâm

Theo đó, khó khăn lớn nhất của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khi triển khai các công nghệ mới là không gắn kết được lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh. Việc thuyết phục từng phòng ban trong doanh nghiệp chấp nhận thay đổi thói quen và hợp tác là quá trình không hề dễ dàng với các nhà quản lý công nghệ.

“Chẳng hạn, muốn phòng marketing chuyển đổi số, các CIO, CTO phải hiểu và nói chuyện với nhân sự marketing bằng ngôn ngữ của chính họ, phải kết nối với đại diện, nhà quản lý các phòng ban này, hoặc bước đầu thành lập một ủy ban chuyển đổi số để tìm sự đồng thuận,” ông Nguyễn Bá Quỳnh, phó chủ tịch cấp cao Hitachi Consulting, tổng giám đốc Global Cybersoft – thành viên tập đoàn Hitachi khẳng định. Chỉ khi đó, quá trình thực hiện chuyển đổi số không rời rạc giữa bộ phận công nghệ và các bộ phận nghiệp vụ khác như tình trạng thường thấy hiện nay tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các chuyên gia công nghệ thông tin còn cho rằng quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam diễn ra khá sớm nhưng tốc độ chậm vì nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp quá thận trọng và cân nhắc rủi ro. Đơn cử, giai đoạn 2013 khi vấn đề cơ sở dữ liệu lớn (big data) bắt đầu được đề cập, nhiều doanh nghiệp Việt cho rằng “vẫn còn là chuyện xa vời”, nhưng chỉ vài năm sau big data hiện hữu ở mọi lĩnh vực kinh doanh. 

Dẫn chứng với ngành bán lẻ, ông Trần Viết Huân – CIO công ty SonKim Retail cho rằng, đối thủ của các doanh nghiệp trong ngành này có thể không còn là cửa hàng tiện lợi mà là các hãng xe công nghệ. Với tiềm lực có sẵn, họ có thể kết nối với hàng ngàn tiệm tạp hóa truyền thống để thay đổi bức tranh thị trường. “Đối thủ có thể đến từ các quốc gia khác, họ sẽ dùng công nghệ để nhảy vào các lĩnh vực truyền thống, doanh nghiệp Việt vì thế phải nghiên cứu lường trước những thay đổi có thể xảy đến như vậy.”

“Nhận thức về chuyển đổi số mới chỉ thiên về công nghệ, nhưng thực tế việc chuyển đổi phải bắt đầu từ mô hình kinh doanh và tư duy lãnh đạo.” 

Sự đầu tư cho công nghệ thông tin cách bài bản còn hạn chế khi chưa có nhiều doanh nghiệp Việt có chức danh CIO hay CTO. Các chuyên gia cho rằng lý do có thể đến từ việc đa phần doanh nghiệp Việt Nam chưa chịu sức ép cạnh tranh toàn cầu mạnh mẽ như các công ty đa quốc gia, nên chuyển đổi số mới chỉ loanh quanh ở bước tối ưu hóa các hoạt động quản trị.

“Nhận thức về chuyển đổi số mới chỉ thiên về công nghệ, nhưng thực tế việc chuyển đổi phải bắt đầu từ mô hình kinh doanh và tư duy lãnh đạo. Vai trò của công nghệ thông tin chưa đi cùng các nhà quản lý về chiến lược kinh doanh của một tổ chức, nên chúng ta vẫn đi chậm so với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài,” theo chuyên gia với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ Nguyễn Chí Đức, giám đốc Votiva Việt Nam.

Tuy nhiên, khi so sánh mức độ phát triển của quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp giữa các ngành, ông Võ Tấn Long, phó tổng giám đốc PwC Consulting Việt Nam nhận định, đối với các ngành có ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc nền kinh tế, sự nhận thức về tính cấp thiết của chuyển đổi số là có thật và được thực hiện khá đồng đều, như các ngành tài chính – ngân hàng, viễn thông… Đa phần lãnh đạo doanh nghiệp các lĩnh vực này đều xem chuyển đổi số là cơ hội duy nhất để tồn tại trong môi trường cạnh tranh.

Tiền đề quan trọng của chuyển đổi số là tư duy chấp nhận rủi ro, học hỏi và thay đổi liên tục. Theo kết quả khảo sát APEC CEO 2018 của PwC, có 42% doanh nghiệp Việt Nam và 36% doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đầu tư vào các startup địa phương, cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn trở thành “doanh nghiệp số” thông qua việc đầu tư vào các cách làm mới, các phép thử mới.

“Nói về chuyển đổi số thời gian gần đây, chúng ta đã đi khá nhanh so với quá khứ, nên không nên quá bi quan về hiện trạng này. Chúng ta ngày càng có nhiều người trẻ Việt Nam hiểu biết và tiến lên rất nhanh. Điều làm nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp, các quốc gia là sự thông thái, bởi vì chúng ta đã có thể bỏ qua những điều mang tính nền tảng, bỏ qua các tư duy lặp đi lặp lại và nhường phần việc đó cho trí tuệ nhân tạo, cho big data…,” ông Quỳnh nhận định.

Nguồn bài viết: https://forbesvietnam.com.vn

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.

Call CIO Vietnam Team