21 Dec Chuyển đổi số tại Việt Nam: Quan trọng nhất là dữ liệu
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, vấn đề quan trọng nhất của chuyển đổi số chỉ xoay quanh 1 từ, đó là “dữ liệu”. Nếu chưa có dữ liệu, cần tạo ra dữ liệu, lưu trữ và áp dụng công nghệ, đầu tư nhân lực để sử dụng được…
Phải tạo ra dữ liệu
Hôm nay (26/9), Bộ Tài chính đã phối hợp với IDG Việt Nam tổ chức hội thảo – triển lãm Vietnam Finance 2018 với chủ đều “Chuyển đổi số trong ngành Tài chính.” Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất, cung ứng dịch vụ.
Theo Thứ trưởng, thế giới đã bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng Chính phủ số hướng tới phục vụ nền kinh tế số và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế tất yếu đó. Những gì Việt Nam cần phải hành động để chuẩn bị và chủ động thích ứng chính là quá trình chuyển đổi số, hay nói cách khác, tiến hành tốt việc chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam chủ động và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hướng tới một quốc gia số hay quốc gia thông minh.
“Chuyển đổi số phải được coi là sự phát triển về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất, cụ thể trong kinh doanh, đó là sự thay đổi về mô hình kinh doanh chứ không chỉ là thúc đẩy sản xuất hay mở rộng phạm vi kinh doanh. Chuyển đổi số là một quá trình, không phải là đích đến. Chuyển đổi số không đơn thuần là ứng dụng thông tin” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Vấn đề quan trọng nhất của chuyển đổi số, theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, chỉ xoay quanh 1 từ, đó là “dữ liệu”.
“Nếu chưa có dữ liệu, chúng ta cần tạo ra dữ liệu, lưu trữ nó. Nếu có dữ liệu nhưng chưa sử dụng được thì cần phải áp dụng công nghệ, đầu tư nhân lực để sử dụng được. Nếu đã có dữ liệu và sử dụng được, cần phải xem xét việc chia sẻ và bảo vệ dữ liệu này, từ đó tạo động lực cho sự phát triển các ngành kinh tế khác” – Thứ trưởng giải thích cặn kẽ.
Mong ngành Tài chính sẽ là một trong các ngành đi đầu trong triển khai chuyển đổi số tại Việt Nam, phù hợp với xu thế mới, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng, trước hết cần phải chuyển đổi số ngay trong công tác quản lý nhà nước của ngành, như việc ứng dụng công nghệ số trong việc trả lời, giải đáp các thủ tục hành chính tự động; kiểm tra, giám sát, quản lý rủi ro, chống gian lận trong lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán… Nhưng quan trọng hơn, theo Thứ trưởng, ngành Tài chính cần xác định và thúc đẩy được vai trò của mình đối với xã hội và người dân.
Một trong những tiêu chí đo lường mức độ thành công của chuyển đổi số, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, đó là việc theo dõi cách thức tạo và sử dụng, chia sẻ dữ liệu như thế nào.
Theo Thứ trưởng, tại Việt Nam hiện nay, lĩnh vực tài chính và lĩnh vực viễn thông – CNTT được đạnh giá là có mức độ sẵn sàng cao nhất trong việc chuyển đổi số dựa trên khối lượng dữ liệu khổng lồ đang được tạo dựng mỗi ngày. Trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật… vẫn đang và sẽ là những nhân tố quan trọng để có thể tạo đột phá trong phát triển thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, có một công nghệ đặc biệt đang ảnh hưởng đến nền tài chính thế giới, đó là Blockchain. Đây là công nghệ được sử dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng với nhu cầu minh bạch và xóa bỏ rào cản. Thách thức đối với chuyển đổi số tại Việt Nam, theo Thứ trưởng, sẽ là nguồn lực, kỹ năng, văn hóa và nhận thức, an toàn và an ninh mạng.
Thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng các Chính phủ trên toàn cầu hiện đang nhận ra tầm quan trọng của Chính phủ số, bước phát triển cao hơn tiếp theo sau Chính phủ điện tử. Chính phủ số đầu tư vào các công nghệ mới thời kỳ cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 để hợp lý hóa hoặc loại bỏ các quy trình, từ đó cho phép Chính phủ có khả năng đổi mới công tác quản lý và dịch vụ công, mang lại tính hiệu quả, hiệu lực cao hơn cho Chính phủ.
“Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái tài chính số. Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.
Từ định hướng trên, Bộ Tài chính xác định năm 2018 là năm khởi đầu, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số ngành Tài chính trong một chương trình, mục tiêu dài hạn. Ngay từ đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp tổ chức triển khai ứng dụng CNTT toàn ngành Tài chính nhằm tiếp cận một cách nhanh nhất với CMCN 4.0 như: Áp dụng công nghệ ảo hóa máy chủ nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư phần cứng; triển khai công nghệ phân tích dữ liệu lớn; bước đầu ứng dụng công nghệ mạng xã hội, công nghệ di động trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thuế điện tử, hải quan điện tử, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, hệ thống một cửa quốc gia hải quan ASEAN… Ngành Tài chính đã bước đầu tiếp cận với giai đoạn phát triển đầu tiên của Chính phủ số, đó là giai đoạn xây dựng Chính phủ điện tử và Tài chính điện tử.
Tại Vietnam Finance 2018, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp cùng thảo luận về yêu cầu của ngành Tài chính trong việc triển khai ứng dụng công nghệ của CMCN lần thứ 4, triển khai Chính phủ điện tử, thực hiện chuyển đổi số. Qua đó, các tổ chức doanh nghiệp trong nước và quốc tế có cơ hội nắm bắt thông tin về kế hoạch triển khai của ngành Tài chính, để đề xuất tư vấn các mô hình, công nghệ và kinh nghiệm thực hành tốt nhất cho Bộ Tài chính.
Tai Hội thảo cũng diễn ra một loạt phiên thảo luận chuyên đề như: Chuyển đổi số trong lĩnh vực kho bạc nhà nước, “Chuyển đổi số trong lĩnh vực Hải quan” và “Chuyển đổi số trong lĩnh vực Thuế”.
Vietnam Finance 2018 còn có khu vực triển lãm đem đến những trải nghiệm về các mô hình, các sản phẩm/giải pháp CNTT hiện đại giúp thúc đẩy tiến trình xây dựng nền tài chính số. Khách tham quan sẽ được trao đổi trực tiếp với những nhà cung cấp sản phẩm, thiết bị công nghệ hàng đầu thế giới xoay quanh vấn đề ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình chuyển đối số hiện nay.
Nguồn bài viết: http://www.vnmedia.vn
Sorry, the comment form is closed at this time.