Cyber Monday tận dụng dữ liệu lớn như thế nào?

Cyber Monday tận dụng dữ liệu lớn như thế nào?

Cyber Monday không còn là một chương trình giảm giá theo sau ngày Black Friday nữa, mà trở thành một nơi được trợ lực bởi dữ liệu lớn (big data). Những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của thế hệ người mua mới, hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận và thúc đẩy doanh số cho các nhà bán lẻ.

 
Năm ngoái, Cyber Monday đã thu về 6,6 tỉ đô la Mỹ thông qua bán hàng online. Ảnh: Getty Images.

Black Friday vừa kết thúc, nhưng vẫn còn đó một ngày giảm giá online quy mô có tên gọi Cyber Monday đang diễn ra, hấp dẫn và sinh lợi không kém.

Trong năm 2018, hầu hết người tiêu dùng sẽ mua hàng online bởi họ muốn tránh những phiền toái phải rời khỏi nhà vào sáng sớm và đứng xếp hàng trong thời tiết giá lạnh. Năm ngoái, Cyber Monday đã thu về 6,6 tỉ đô la Mỹ thông qua bán hàng online.  

Số lượng doanh nghiệp bán lẻ đưa ra các chương trình giảm giá nhân dịp Cyber Monday đã tăng vọt gấp đôi trong khoảng thời gian 2016-2017. Con số này được sự đoán sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2018. Doanh số cho các mặt hàng không được giảm giá cũng “thơm lây” và gia tăng đáng kể trong dịp này.

Một đặc điểm đáng chú ý là Cyber Monday không chỉ là cú nổ bán hàng giảm giá diễn ra trong 24 giờ. Hầu hết các doanh nghiệp thương mại điện tử đều đưa ra các chương trình “pre-sales” (bán hàng giảm giá trước), hay ít nhất cũng “nhử” thông tin về đợt giảm giá thông qua các cổng thông tin như email hay các biển quảng cáo trên trang bán hàng. Quan trọng hơn, ngày giảm giá sẽ kéo dài cả dịp cuối tuần, từ Black Friday sang Cyber Monday.

Các sản phẩm xa xỉ là những món hàng được giảm giá nhiều nhất, với mức giảm từ 26-50%. Tuy vậy trong quá khứ, doanh nghiệp bán lẻ đưa ra chương trình giảm giá nhất chính là Walmart, với 197.000 mặt hàng được giảm giá lên tới 60% trong năm 2017. Theo sát nút doanh nghiệp này là Kohl’s và Macy’s.

Trên mặt trận thương mại điện tử, nhiều người dự đoán các chương trình và sản phẩm giảm giá hấp dẫn nhất sẽ thuộc về những đại gia như Amazon, Target và Best Buy. Xu hướng mua hàng online gia tăng trong năm nay sẽ trở thành đòn bẩy cho các ứng dụng truy dấu hàng giảm giá và mã giảm giá như Honey, Ebates và Earny phát triển.

Doanh thu kì vọng cho các website bán hàng online tăng không có nghĩa là những cửa hàng thực sẽ vắng bóng người, ít nhất là trong kì đại hạ giá lần này. Liên đoàn bán lẻ quốc gia ước tính 116 triệu người vẫn sẵn sàng xếp hàng chờ đợi ngoài cửa hàng để mua được những mặt hàng được giảm giá tốt nhất vào ngày Black Friday.

Dữ liệu lớn được các doanh nghiệp bản lẻ tận dụng ra sao? 

Kể từ khi Cyber Monday khẳng định được chỗ đứng của mình trong ngành bán lẻ, các doanh nghiệp bắt đầu sử dụng triệt để những thông tin trong quá khứ để theo dõi xu hướng bán hàng. Cùng với sự phát triển của dữ liệu lớn (big data) và bán hàng online, khoa học dữ liệu không chỉ theo dấu thông tin trong quá khứ, mà còn đưa ra các dự đoán về xu hướng tiêu dùng, giúp các nhãn hàng nắm bắt được những gì khách hàng “sẽ” cần.

Cụ thể hơn, khi khách hàng lướt web xem hàng, các doanh nghiệp sẽ ghi nhận những sản phẩm đã được xem, mua, cho vào hay bỏ ra khỏi giỏ hàng… nhằm xác định hành vi tiêu dùng của khách hàng trên website. Tiếp đó các thuật toán sẽ được xây dựng, kiểm tra và dự đoán xem khách hàng nào sẽ mua hàng, sản phẩm xu hướng nào sẽ mang lại doanh thu lớn nhất, hành vi khách hàng, độ phổ biến của mặt hàng và biên lợi nhuận. Các sản phẩm sẽ được xếp hạng và lựa chọn để đưa vào chương trình giảm giá dựa trên tỉ lệ được mua và sự hứng thú đã được người tiêu dùng thể hiện trong quá khứ.

Tìm hiểu phản ứng với sản phẩm trên mạng xã hội cũng là một nhân tố giúp các doanh nghiệp xác định số lượng hàng trong kho và doanh số trong ngày đại hạ giá. Họ sẽ thu thập và phân tích các bài đánh giá sản phẩm, các bài viết trên mạng xã hội có đề cập tới sản phẩm bằng hashtag liên quan. Những thông tin này sẽ giúp nhà bán lẻ xác định khả năng được mua của sản phẩm trong những ngày đại hạ giá như Black Friday hay Cyber Monday.

Tiếp đó mức giảm giá sẽ được xác định bằng máy học. Cụ thể hơn công nghệ này sẽ dự đoán doanh thu và tính toán xem số lượng hàng hóa bán ra nên được giới hạn ở mức nào để vẫn mang về lợi nhuận. Các thông tin vẫn sẽ được lưu trữ cho khoảng thời gian tiếp theo nhằm đưa ra chiến lược bù đắp lỗ (nếu có) cho những đợt đại hạ giá.  

Link bàihttps://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/cyber-monday-tan-dung-du-lieu-lon-nhu-the-nao-4843.html

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.

Call CIO Vietnam Team