Đừng để “người nhà” trở thành lực cản trong chuyển đổi số

Đừng để “người nhà” trở thành lực cản trong chuyển đổi số

Nếu thực hiện chuyển đổi số một cách đúng đắn, Việt Nam có cơ hội trở thành “một con hổ thực sự”. Nhưng để làm được điều đó, không chỉ lãnh đạo doanh nghiệp mà toàn bộ nhân viên các phòng ban cũng phải thay đổi tư duy, học hỏi kiến thức mới.

Ý kiến trên được các chuyên gia nhấn mạnh tại chương trình CIO Trends với chủ đề “Xu hướng và ứng dụng chuyển đổi số trong Doanh nghiệp” do CIO Việt Nam tổ chức ngày 28.3 tại TP.HCM.

Quan trọng là giá trị đem lại cho khách hàng

Ông Nguyễn Bá Quỳnh- Phó chủ tịch cấp cao Hitachi Consulting- TGĐ Global Cybersoft cho biết tốc độ phát triển, ứng dụng công nghệ mới đang diễn ra rất nhanh và tạo ra những sự thay đổi rất lớn trong hoạt động của doanh nghiệp. “Mười năm trước đây, khi tôi đi gặp các doanh nghiệp thì điện toán đám mây (cloud) còn là thứ gì đó khá xa lạ nhưng hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đã sử dụng cloud. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với những công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn…”, ông Quỳnh nói.

Ông Nguyễn Bá Quỳnh chia sẻ về xu thế chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Điều này cho phép các doanh nghiệp tạo ra những mô hình kinh doanh mới độc đáo có thể đánh bại cả những gã khổng lồ đang thống lĩnh thị trường. Uber, Netflix… là những ví dụ rõ ràng cho xu thế này.

Hiện nay, các công ty lớn trên thế giới như Google, Amazon đã và đang xây dựng các nền tảng làm cơ sở cho các doanh nghiệp triển khai các ứng dụng, mô hình mới. Dựa trên những nền tảng đó, các doanh nghiệp có thể tạo ra những giá trị mới cho khách hàng như dịch vụ mới, chất lượng dịch vụ, tốc độ phục vụ tốt nhất.

Bởi vậy, theo ông Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc trung tâm đổi mới sáng tạo của FECredit đội ngũ thực hiện số hóa phải thực sự “đi ra ngoài”, phải thấu hiểu khách hàng và xác định hệ thống của doanh nghiệp cần thực hiện thế nào để đem lại giá trị cho khách hàng. Hoạt động sáng tạo giúp cho công ty tăng hiệu quả kinh doanh, bán hàng nhiều hơn nhờ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, giảm chi phí trong quá trình cung cấp dịch vụ.

Chương trình thu hút hàng trăm chủ doanh nghiệp, phụ trách CNTT từ nhiều doanh nghiệp
Trong quá trình đo, dữ liệu đóng vai trò quan trọng bởi chỉ có nhờ có sẵn data thì trí tuệ nhân tạo hoặc những công nghệ khác mới có thể hiện thực hóa được. Nhờ đó, doanh nghiệp hiểu khách hàng tốt hơn và ra được quyết định hợp lý.

Ông Quỳnh cũng cho biết: “Trong chuyển đổi số, vấn đề không nằm ở công nghệ mà quan trọng hơn là yếu tố khách hàng, nhân sự, lợi thế cạnh tranh đặc trưng của doanh nghiệp. Thành công của startup dựa vào giá trị họ mang lại cho khách hàng chứ không phụ thuộc vào nền tảng họ tạo ra.”

Kinh nghiệm vượt qua lực cản

Dù tạo ra nhiều lợi ích to lớn nhưng việc thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp gặp không ít thách thức. Trong đó, đáng lưu ý nhất là lực cản từ những người không muốn thay đổi bởi sợ mất việc, sợ thay đổi cách làm việc đang quen thuộc.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Tâm khẳng định dù có thực hiện chuyển đổi số hay không thì thay đổi là điều buộc phải làm để quá trình mua hàng, trải nghiệm của khách hàng chất lượng hơn, nhanh hơn, rẻ hơn. Lực cản từ những người không muốn thay đổi là thực tế xảy ra tại các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.

“Khi đó, sự hỗ trợ, hợp tác sẽ giảm đi, khiến cho hiệu quả, tốc độ thực hiện các quyết định bị ảnh hưởng. Bởi vậy, theo tôi chuyển đổi số phải được thực hiện từ trên xuống và lan xuống đến tất cả bộ phận. Có như vậy, mọi người mới thực sự hiểu và tham gia vào quá trình chuyển đổi số.”

Tuy nhiên, ông Tâm cũng khẳng định khó có thể đạt được sự đồng thuận 100% từ mọi bộ phận, nhân viên. Do đó, một trong những cách hiệu quả đang được thực hiện là thiết lập ra một nhóm để thử nghiệm các quy trình, công nghệ mới. Từ kết quả thử nghiệm đó, doanh nghiệp có thể triển khai ở quy mô nhỏ để đánh giá phản hồi của khách hàng và ý kiến của nhân viên. Nếu kết quả đem lại tích cực, mô hình đó có thể nhân rộng. Trong trường hợp ngược lại, việc hủy bỏ quy trình đó không gây ảnh hưởng quá lớn.

Bà Nguyễn Bảo Linh, Cofounder của Go-Viet cũng cho biết đây là cách thức mà Go-Viet thực hiện khi muốn đưa ra các dịch vụ, chính sách mới. Các ý tưởng liên tục được thử nghiệm, hoàn thiện, thậm chí “đập đi xây lại” với tốc độ nhanh để nhờ đó, công ty có thể đem lại nhưng thay đổi kịp thời, phù hợp nhất với thị trường.

Chia sẻ với những người đang lo sợ chuyển đổi số sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công việc của mình, ông Nguyễn Bá Quỳnh đưa ra lời khuyên: “Hãy thay đổi tư duy và tích cực học hỏi ngay từ hôm nay bởi không bao giờ là quá muộn. Các bạn có thể học từ chính môi trường xung quanh, từ doanh nghiệp của mình hoặc từ trường học.”

Nguồn: http://khampha.vn

 

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.

Call CIO Vietnam Team